Địa chỉ: 113/2C Trần Thị Trọng, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM

Email: cty.lawforlife@gmail.com

Hotline:090 9700 257

  • Trang chủ
  • Có phải cập nhật mã ngành, nghề mới khi thay đổi đăng ký kinh doanh?
Có phải cập nhật mã ngành, nghề mới khi thay đổi đăng ký kinh doanh?

 

Mã ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay được sử dụng theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Những doanh nghiệp đăng ký thành lập trước thời điểm văn bản này có hiệu đang sử dụng các mã ngành, nghề cũ. Vậy doanh nghiệp có phải chủ động cập nhật mã ngành, nghề mới không?


Mã ngành, nghề kinh doanh là gì? Được sử dụng như thế nào?

Ngành, nghề kinh doanh là thông tin bắt buộc khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam là căn cứ để lựa chọn mã ngành nghề để đăng ký vào hồ sơ đề nghị khi thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

 

Hiện nay, hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam được quy định cụ thể tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg (VSIC 2018) Trước đó, được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg (VSIC 2007).

 

Mã ngành, nghề dùng để nhận diện ngành, nghề của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều mã ngành, nghề tuy thuộc vào số lượng ngành, nghề đăng ký. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp cần phải biết ghi mã ngành, nghề khi kê khai hồ sơ đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:

Doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

-  Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

 

Cập nhật mã ngành, nghề mới

Cập nhật mã ngành, nghề mới (Ảnh minh hoạ)
 

Có phải cập nhật mã ngành nghề khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp?

Kể từ ngày 20/08/2018, ngành, nghề của doanh nghiệp sẽ được đăng ký theo VSIC 2018. Tuy nhiên, mã ngành nghề giữa VSIC 2018 và VSIC 2007 có sự khác nhau do có sự thay đổi, bổ sung, cập nhật nội dung của các ngành nghề này, ví dụ:

- Đối với ngành, nghề Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ:

+ Tại VSIC 2007 thuộc mã ngành 4211 và 4212

+ Tại VSIC 2018 thuộc mã ngành 4210

- Đối với ngành, nghề Bán lẻ ô tô con (loại 9 chỗ ngồi trở xuống):

+ Tại VSIC 2007 thuộc mã ngành 4512

+ Tại VSIC 2018, ngành nghề này không còn tồn tại, mã ngành 4512 được thay bằng Bán lẻ ô tô con (loại 12 chỗ ngồi trở xuống).

 

Xem Bảng chuyển đổi mã ngành, nghề kinh doanh từ VSIC 2007 sang VSIC 2018 tại đây.

 

Căn cứ theo Mục I Công văn số 234/ĐKKD-NV, việc thay đổi mã ngành, nghề mới được quy định như sau:

“Đối với doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc trước ngày 20/8/2018:

- Doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tiếp tục hoạt động theo nội dung ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và không bắt buộc phải thực hiện thủ tục cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới. Việc cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới được thực hiện khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc khi doanh nghiệp thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Phòng Đăng ký kinh doanh khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới....”

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp như sau:

“1. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.”

Như vậy, doanh nghiệp phải cập nhật, thay đổi mã ngành, nghề theo VSIC 2018 khi:

- Thông báo thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh;

- Đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Thực hiện các thủ tục thay đổi các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ…) hoặc doanh nghiệp có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LAW FOR LIFE
090 9700 257