Tên thương mại
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Về cơ bản, do được sử dụng trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, nên tên thương mại sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mà pháp luật doanh nghiệp dành cho tên doanh nghiệp. Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.
Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa. Tên thương mại gồm hai phần: phần mô tả và phần phân biệt. Phần mô tả là tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình kinh doanh. Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa.Ví dụ: Với tên Công ty LAW FOR LIFE (Công ty Luật cho đời sống) thì phần mô tả sẽ là Công ty Luật; và phần phân biệt sẽ được hiểu là LAW FOR LIFE. Có thể nói tên doanh nghiệp đồng thời chính là tên thương mại.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, chứ không nhất thiết phải thực hiện thủ tục đăng ký. Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp.
Khác với nhãn hiệu: nhãn hiệu chỉ là cụm từ phân biệt được với các hàng hóa sản phẩm cùng loại, như ví dụ trên chính là thành tố “LAW FOR LIFE” là nhãn hiệu. Do đó, nếu một nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có quyền yêu cầu đơn vị đăng ký sử dụng tên thương mại sau ngày được bảo hộ không được đăng ký hoặc đổi tên thương mại đã đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp để tránh trùng gây tương tự nhầm lần với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Cụ thể tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các quy định liên quan đến tên thương mại nói riêng và các quyền sở hữu trí tuệ nói chung, xin vui lòng liên hệ Công ty LAW FOR LIFE để được tư vấn chi tiết!