Chậm trả lương, thưởng Tết: Doanh nghiệp sẽ bị phạt?
Càng cận Tết, nhu cầu chi tiêu và sắm sửa đón năm mới càng tăng cao do đó ai đi làm cũng đều mong ngóng lương, thưởng Tết. Ấy vậy mà có nhiều doanh nghiệp lại cố tình nợ lương, trì hoãn trả thưởng cho nhân viên. Các doanh nghiệp thuộc trường hợp này liệu có bị phạt?
1. Doanh nghiệp có được chậm lương, thưởng Tết không?
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Thời hạn trả lương sẽ được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong quy chế riêng của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp sẽ quy định thời hạn trả lương riêng, có nơi trả lương ngày 05 hoặc ngày 10 đầu tháng, có nơi lại trả lương ngày 15, hoặc thậm chí trả lương vào ngày cuối cùng của tháng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương cho người lao động theo đúng thời hạn đã thỏa thuận hoặc được quy định trong quy chế mà không được chậm lương của nhân viên.
Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ cho phép doanh nghiệp được chậm lương trong 01 trường hợp duy nhất được quy định tại khoản 4 Điều 97 như sau:
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;[…]
Như vậy, nếu không có lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp không được phép chậm lương của người lao động. Nếu chậm lương nhân viên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Còn đối với khoản thưởng Tết, Điều 104 Bộ luật Lao động chỉ quy định về hình thức thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hoặc các hình thức khác mà không đề cập đến thời điểm trả thưởng.
Do đó, việc trả thưởng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung thỏa thuận và quy chế do chính doanh nghiệp ban hành.
Thực tế, các doanh nghiệp thường trả thưởng Tết cùng với kỳ trả lương trước Tết hoặc vào một thời điểm khác thích hợp nhưng vẫn kịp để người lao động sắm Tết. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chậm trả thưởng tết thì hiện chưa có chế tài xử phạt.
2. Doanh nghiệp hẹn trả lương, thưởng sau Tết có trái luật?
Như đã phân tích người sử dụng lao động nếu không có lý do bất khả kháng thì không được phép chậm lương của người lao động. Thậm chí ngay cả khi được chậm lương thì thời gian chậm trả cũng không được quá 30 ngày.
Do đó, việc doanh nghiệp hẹn trả lương sau Tết là không đúng quy định. Điều này không chỉ khiến cuộc sống của người lao động gặp khó khăn mà còn có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, với khoản thưởng Tết, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ thỏa thuận hoặc quy chế trả thưởng mà mình đã ký. Tuy nhiên để giữ chân người lao động, có doanh nghiệp đã hẹn trả thưởng sau Tết. Điều này có thể không đúng với thỏa thuận trước đó của các bên hoặc quy chế của doanh nghiệp.
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn có thể hẹn trả lương, thưởng sau Tết với điều kiện là được người lao động chấp thuận nhưng điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu dịp Tết của người lao động.
Để hạn chế tình trạng chậm lương, thưởng Tết, mới đây, tại Nghị quyết 156/NQ-CP ban hành ngày 06/12/2022, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương khuyến khích doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, đồng thời có biện pháp động viên người lao động sau Tết sớm trở lại làm việc.
3. Chậm trả lương, thưởng Tết, doanh nghiệp có bị phạt?
Theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp chậm lương, thưởng của người lao động quá lâu sẽ bị xử lý như sau:
* Trường hợp chậm lương:
Theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chậm lương lương nhân viên có thể bị tính thêm tiền lãi và bị xử phạt:
- Chậm lương do trường hợp bất khả kháng: Bị tính thêm tiền lãi nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên. Lãi chậm trả tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương.
- Chậm lương vì các lý do khác:
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị:
+ Bị phạt hành chính từ 05 - 50 triệu đồng (dựa trên số lượng người lao động bị chậm lương).
+ Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động. Mức lãi chậm trả tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
* Trường hợp chậm thưởng Tết:
Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP không quy định về mức phạt đối với hành vi chậm thưởng Tết. Do đó, chưa có chế tài để xử phạt doanh nghiệp vi phạm.
Lúc này để đòi quyền lợi chính đáng cho mình, người lao động có thể khiếu nại đến ban lãnh đạo doanh nghiệp để yêu cầu trả thưởng. Nếu không được giải quyết thì khiếu nại tiếp đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đòi tiền thưởng (theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
Trên đây là những thắc mắc liên quan đến việc doanh nghiệp chậm trả lương thưởng Tết của người lao động.