Hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT được giảm, xử lý thế nào?
Khi xuất hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT, việc thanh toán của người mua và khâu nộp thuế, khấu trừ thuế của các bên sẽ bị ảnh hưởng. Vậy phải xử lý thế nào đối với hóa đơn viết sai thuế suất VAT?
1. Đối với hóa đơn giấy
Căn cứ Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn đầu ra ghi sai thuế suất sẽ được xử lý như sau:
Trường hợp 1: Hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT nhưng chưa xé khỏi cuống.
Trường hợp này, người bán chỉ cần gạch chéo các liên và lưu giữ lại số hóa đơn lập sai. Kế tiếp, người bán lập hóa đơn mới để thay thế hóa đơn lập sai.
Trường hợp 2: Hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT và đã xé khỏi cuống.
* Nếu hóa đơn sai thuế suất đã xé nhưng chưa giao cho khách hàng:
Theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 39, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai rồi xuất hóa đơn mới để thay thế hóa đơn viết sai.
* Nếu hóa đơn sai thuế suất đã xé cuống, đã giao cho khách hàng và chưa kê khai thuế:
Theo khoản 2 Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn được xử lý như sau:
- Bước 1: Người bán và người mua lập biên bản thu hồi hóa đơn viết sai, trong đó phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn.
- Bước 2: Gạch chéo các liên và lưu giữ lại hóa đơn lập sai.
- Bước 3: Lập hóa đơn mới thay thế hóa đơn sai sót.
* Nếu hóa đơn sai thuế suất đã xé cuống, đã giao cho khách hàng và đã kê khai thuế:
Căn cứ khoản 3 Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn sai được xử lý như sau:
- Bước 1: Người bán và người mua phải lập biên bản/thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
- Bước 2: Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót.
+ Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) thuế suất thuế VAT…, tiền thuế VAT cho hóa đơn số…, ký hiệu…
+ Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, đầu vào.
+ Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT được giảm, xử lý thế nào? (Ảnh minh hoạ)
2. Đối với hóa đơn điện tử
Căn cứ Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có sai sót về thuế suất VAT sẽ được xử lý như sau:
* Nếu hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua:
Người bán thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn cũ rồi gửi cho người mua.
* Nếu hóa đơn điện tử đã gửi cho người mua:
Có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý sau đây:
1 - Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Bước 1: Lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót nếu các bên có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót.
Bước 2: Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
2 - Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử sai sót sau đó gửi cho người mua (với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn mới rồi gửi cho người mua (với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
Lưu ý: Trường hợp có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn có sai sót thì các bên lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót trước khi người bán lập hóa đơn điện tử thay thế.
Trên đây là hướng dẫn về cách xử lý hóa đơn đầu ra sai thuế suất VAT.