Địa chỉ: 113/2D Trần Thị Trọng, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM

Email: cty.lawforlife@gmail.com

Hotline:090 9700 257

  • Trang chủ
  • Mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh không?
Mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh không?

 

Dịch vụ cắt tóc là ngành, nghề đặc thù, chủ yếu là những cơ sở nhỏ lẻ, thậm chí không có địa điểm kinh doanh cố định. Vậy mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh không?


Mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh?

Căn cứ khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh bao gồm: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.

 

Tuy nhiên nếu kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, những đối tượng nêu trên vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

 

Bên cạnh đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Chính phủ giải thích, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ… sinh lợi nhưng không phải đăng ký kinh doanh, không gọi là “thương nhân” gồm:

- Buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến;

- Thực hiện các dịch vụ đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

 

Như vậy, cắt tóc là một trong những dịch vụ được quy định không cần phải đăng ký kinh doanh kể cả có địa điểm cố định hay không cố định. Tuy nhiên, nếu cá nhân kinh doanh dịch vụ cắt tóc kèm theo với các dịch vụ như: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự, bán lẻ mỹ phẩm…thì phải đăng ký kinh doanh, xin giấy phép con phù hợp với sản phẩm, ngành nghề đó.

 

Mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh không?

Quán cắt tóc có cần đăng ký kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
 

Mở quán cắt tóc phải nộp những loại thuế gì?

1. Lệ phí môn bài

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Như vậy, chỉ cần cá nhân có hoạt động kinh doanh thì phải nộp lệ phí môn bài. Nhưng cũng có một số trường hợp cá nhân kinh doanh được miễn lệ phí môn bài, cụ thể:

- Cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định.

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.

- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

2. Thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng

Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định như sau:

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:

a) Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

b) Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

c) Hợp tác kinh doanh với tổ chức;

d) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;

đ) Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Theo Điều 1 Thông tư này, những đối tượng tại Điều 2 thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập cá nhân (TNCN).

 

Lưu ý:  Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT thuế TNCN.

 

Theo Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC cá nhân kinh doanh các dịch vụ cắt tóc, làm đầu, gội đầu, từ ngày 01/8/2021 sẽ phải chịu 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN trên doanh thu tính thuế. Tổng cộng mức thuế các cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ này phải chịu là 7%.

 

Như vậy mở quán cắt tóc có thể không phải đăng ký kinh doanh nhưng vẫn phải nộp các loại thuế như trên. 

Mở quán cắt tóc có phải đăng ký kinh doanh?

Mở quán cắt tóc phải nộp những loại thuế gì?

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LAW FOR LIFE
090 9700 257