Một số lưu ý thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế
Một số lưu ý thủ tục giải thể doanh nghiệp tại cơ quan thuế
Trước khi làm thủ tục giải thể doanh nghiệp trên Sở Kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đóng mã số thuế và hoàn thành mọi nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước Việt Nam. Doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện và lưu ý một số thủ tục như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp đăng công bố thông tin về việc giải thể doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia và xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ hải quan tại Tổng cục Hải quan
Bước 2: Thủ tục tại cơ quan Thuế
1. Nộp hồ sơ xin giải thể
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ tùy thuộc vào Cục thuế, chi cục thuế yêu cầu. Tuy nhiên hồ sơ xin giải thể doanh nghiệp cơ bản gồm:
- Công văn xin giải thể;
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận Đăng ký thuế;
- Xác nhận không nợ thuế của Tổng cục hải quan (Một số cơ quan thuế chỉ yêu cầu, khi doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu);
- Quyết định giải thể và biên bản họp cổ đông (đối với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên);
2. Chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế và hoàn thành nghĩa vụ thuế
Sau khi nộp hồ sơ xin giải thể và nhận thông báo chấp thuận của cơ quan thuế, doanh nghiệp có 45 ngày để nộp đầy đủ hồ sơ quyết toán thuế.
Trong thời gian này, doanh nghiệp nộp bổ sung toàn bộ báo cáo thuế đến thời điểm xin giải thể.
Ví dụ: Ngày 14.04.2020 công ty A nộp hồ sơ xin giải thể; ngày 15.04 công ty A nhận thông báo cơ quan thuế đang tiến hành xử lý thủ tục giải thể cho đơn vị; Công ty A sẽ phải nộp:
- Tờ khai thuế GTGT quý 1, quý 2/2020;
- Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý 1, quý 2/2020;
- Tờ khai khấu trừ thuế TNCN quý 1, quý 2/2020;
- Báo cáo tài chính năm 2020;
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2020;
- Tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Một số lưu ý:
* Thứ nhất: Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp cần chú ý xử lý số liệu kế toán của đơn vị:
- Nếu đơn vị còn tài sản cố định, hàng hóa, thành phẩm… cần xử lý thanh lý và xuất hóa đơn để số dư các tài khoản 211, 155, 156, 151 = 0;
- Xử lý công nợ khách hàng, nhà cung cấp: Tốt nhất không còn số dư công nợ;
- Tại thời điểm giải thể, nếu doanh nghiệp chưa đóng tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp hạch toán số dư tài khoản 112 bằng với số dư tài khoản có xác nhận của ngân hàng đồng thời làm cam kết không phát sinh các khoản thu tiền sau thời điểm xin giải thể;
- Hạch toán nghiệp vụ thu vốn góp của chủ sở hữu.
…
* Thứ hai: Đối với hóa đơn:
Doanh nghiệp nên để sau khi cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra mới tiến hành thủ tục thông báo hủy hóa đơn đối với các hóa đơn còn giá trị sử dụng.
Tránh trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục hủy hóa đơn, khi quyết toán thuế cơ quan thuế yêu cầu xuất thanh lý hàng tồn kho, doanh nghiệp lại phải làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế.
* Thứ ba: Một số công văn cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp lập và nộp như:
- Công văn cam kết không nợ thuế của doanh nghiệp;
- Công văn cam kết không phát sinh chi trả lương cho người lao động;
- Công văn cam kết sử dụng tài khoản ngân hàng;
- Công văn cam kết không phát sinh doanh thu;
- Công văn cam kết không sử dụng hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn;
3. Nhận kết quả đóng mã số thuế và hoàn thành nghĩa vụ thuế
Sau khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra, doanh nghiệp cần nộp bổ sung tiền thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định (nếu có).
Cơ quan thuế thực hiện rà soát toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp đảm bảo doanh nghiệp đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế và trả kết quả thủ tục để doanh nghiệp thực hiện tiếp thủ tục giải thể trên Sở kế hoạch đầu tư.
Hiện nay, một số Cục thuế, chi cục thuế không trả kết quả bằng bản cứng và đẩy trực tiếp thông tin sang Sở kế hoạch và đầu tư. Trường hợp này doanh nghiệp chỉ cần liên hệ cán bộ thuế để xin xác nhận việc hoàn thành thủ tục.
Trên đây là một số lưu ý cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giải thể trên cơ quan thuế. Doanh nghiệp vui lòng liên hệ LAW FOR LIFE để được hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng, kịp thời!