Mức đóng bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh năm 2023
Với quy mô nhỏ như hộ kinh doanh thì việc đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào? Mức đóng bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh là bao nhiêu? Tất cả câu hỏi sẽ được LAW FOR LIFE giải đáp ngay sau đây.
1. Hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hộ kinh doanh phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu thuê nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động.
Bởi hộ kinh doanh cá thể được liệt kê trong danh sách người sử dụng lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Theo đó, nếu ký hợp đồng lao động với nhân viên, hộ kinh doanh cá thể sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc cho mình.
Cùng với việc đóng bảo hiểm xã hội, hộ kinh doanh cũng phải đóng thêm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho nhân viên nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên với người đó (theo khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm, khoản 4 Điều 2 và khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế)
Như vậy, nếu ký hợp đồng lao động nhân viên, hộ kinh doanh cá thể sẽ phải đóng 03 loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Hộ kinh doanh có phải đóng bảo hiểm cho nhân viên không? (Ảnh minh họa)
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh năm 2023
Hộ kinh doanh đóng vai trò là người sử dụng lao động nên theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Việc làm năm 2013 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, hằng tháng sẽ phải đóng các quỹ sau:
- Qũy bảo hiểm xã hội bắt buộc: Đóng quỹ hưu trí tử tuất và ốm đau - thai sản.
- Qũy bảo hiểm thất nghiệp.
- Qũy bảo hiểm y tế.
- Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của hộ kinh doanh là 21,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Cụ thể tỷ lệ đóng bảo hiểm vào từng quỹ được quy định như sau:
Bảo hiểm xã hội
|
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
|
Quỹ bảo hiểm y tế
|
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
|
Tổng
|
Quỹ hưu trí và tử tuất
|
Quỹ ốm đau và thai sản
|
14%
|
3%
|
1%
|
3%
|
0,5%
|
21,5%
|
Mức đóng bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh thế nào? (Ảnh minh họa)
3. Hộ kinh doanh thuê bao nhiêu nhân viên thì phải đóng bảo hiểm?
Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm y tế cùng các văn bản hướng dẫn đều không quy định hộ kinh doanh thuê bao nhiêu nhân viên thì phải đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, các luật này đều đề cập đến đối tượng tham gia bảo hiểm bao gồm hộ kinh doanh và người lao động có ký hợp đồng lao động với hộ kinh doanh cá thể.
Do đó, chỉ cần thuê mướn, sử dụng 01 người lao động theo hợp đồng lao động thì hộ kinh doanh cũng phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động đó.
Nếu ký hợp đồng lao động mà không kê khai thông tin và đóng bảo hiểm cho người lao động, hộ kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Không đóng bảo hiểm cho 01 hoặc một số nhân viên mà không phải toàn bộ nhân viên: Hộ kinh doanh bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng tối đa 75 triệu đồng (theo điểm c khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Không đóng bảo hiểm cho toàn bộ nhân viên: Hộ kinh doanh bị phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng tối đa 75 triệu đồng (theo khoản 6 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Trên đây là thông tin về mức đóng bảo hiểm xã hội của hộ kinh doanh.