Nghịch lý bỗng nhiên bị phạt vì quy định thuế mới
Hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị phạt vì nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 126/2020 vừa ban hành.
LTS: Ngoài chuyện bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, các nhà kinh doanh còn khổ vì những quy định bất hợp lý. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây cũng nhìn nhận có chuyện cắt điều kiện kinh doanh này lại mọc ra thủ tục khác. Thậm chí doanh nghiệp phải gánh thêm thuế, phí vì các quy định chưa hợp lý nằm trong các thông tư, nghị định...
Nghị định 126/2020 hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12 vừa ban hành quy định về các hoạt động liên quan đến việc kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp (DN). Đáng chú ý là quy định mới: Tổng số thuế thu nhập DN (TNDN) đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.
Quy định thuế TNDN tại Nghị định 126 là không phù hợp thực tế. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lo thất thu ngân sách
Hiện nay, các công ty tạm nộp thuế TNDN hằng quý và kê khai quyết toán theo năm. Cụ thể, các công ty chỉ phải tạm nộp thuế TNDN bốn quý không thấp hơn 80% so với số thuế TNDN phải nộp cả năm. Quy định hiện nay được giới kinh doanh cho là hợp lý, vì đã kết thúc năm tài chính nên tính toán được số thuế TNDN phải tạm nộp, ít khả năng bị tính tiền chậm nộp thuế.
Tuy nhiên, tại Điều 8 của Nghị định 126/2020 vừa ban hành lại quy định việc tạm nộp thuế TNDN như sau: Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp trong ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập phải nộp theo quyết toán năm đó. Thời hạn chậm nhất trước ngày 30-10 hằng năm phải nộp số thuế tạm nộp trên.
Trường hợp nộp thiếu so với số thuế kể trên, DN sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế quý III đến ngày số thuế còn thiếu được nộp vào ngân sách nhà nước.
Lý giải về việc đưa ra quy định mới này, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính cho rằng quy định này xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Khi sản xuất, kinh doanh, các DN đều có phương án và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm, hoàn toàn chủ động trong việc xác định, ước tính kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế TNDN.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều DN không thực hiện tạm nộp thuế TNDN hằng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV (thông thường vào ngày 30-1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Tình trạng này gây mất công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế.
“Điều này cũng dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các DN thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế và các DN cố tình chây ỳ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước” - đại diện Tổng cục Thuế lý giải.
Người bảo có, kẻ bảo không
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng trong quá trình nghiên cứu, dự thảo Nghị định 126, các DN không đặt vấn đề vướng mắc mà lại phản ánh sau khi nghị định đã được ban hành.
Tuy nhiên, chuyên gia thuế Trần Xoa nói ông rất bất ngờ khi có quy định tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của ba quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm tại Nghị định 126/2020, vì trước đó trong dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến góp ý lại không có nội dung này. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, xem xét lại nghị định này trước khi áp dụng vì ảnh hưởng rất lớn đến hàng loạt DN.
|
Nộp thuế đúng có thể cũng bị phạt
Tuy nhiên, giới kinh doanh và chuyên gia cho rằng quy định này không hợp lý. Bởi với quy định mới buộc các công ty phải dự báo chính xác được doanh thu, lợi nhuận để tính toán được số thuế TNDN cả năm nhằm tránh nguy cơ bị phạt vì nộp thiếu. Đây là điều không tưởng, vì kinh doanh phụ thuộc vào sự biến động liên tục của thị trường và nhiều yếu tố khách quan.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), phân tích: Hoạt động kinh doanh của các công ty và doanh thu không phải quý nào cũng giống nhau mà có quý thấp, quý cao. Đặc biệt, doanh thu có thể tăng cao đột biến vào thời điểm quý IV khi nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân tăng cao.
“Ví dụ, nhà kinh doanh nộp thuế TNDN quý I, II, III thấp nhưng số thuế quý IV tăng do có lãi nhiều nên thu nhập tính thuế TNDN tăng đột biến. Như vậy, nếu chiếu theo quy định của Nghị định 126/2020 thì dễ dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh nộp thuế thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Điều này đồng nghĩa nhà kinh doanh bỗng nhiên vi phạm quy định, kéo theo là phải nộp tiền chậm nộp, xử phạt. Rõ ràng quy định mới là không phù hợp với hoạt động kinh doanh, sản xuất trên thực tế” - ông Nghĩa dẫn chứng.
Đại diện một DN bán lẻ tính toán thu nhập tính thuế của công ty trong quý I là 10 tỉ đồng, thuế TNDN (20%) tạm nộp là 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quý II công ty chỉ lãi 5 tỉ đồng, vì vậy quý II số thuế tạm nộp chỉ 1 tỉ đồng. Đến quý III, số thuế tạm nộp cũng chỉ 1 tỉ đồng. Như vậy, số tiền thuế tạm nộp ba quý là 7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sang quý IV doanh số bán hàng tăng, công ty lãi 20 tỉ đồng, số thuế tạm nộp lên đến 4 tỉ đồng. Cộng lại cả năm, số thuế TNDN của công ty này là 11 tỉ đồng.
“Như vậy, số thuế tạm nộp của ba quý chỉ đạt 7/11 tỉ đồng, tương ứng chỉ đạt hơn 63%, tức thấp hơn quy định 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Như vậy, dù tạm nộp thuế đúng quy định nhưng cuối cùng công ty vẫn rơi vào nghịch lý nộp thiếu thuế theo quy định tại Nghị định 126 và bị phạt” - đại diện đơn vị bán lẻ này phân tích.
Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, cho biết: Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5-12, do vậy trong năm quyết toán thuế 2020 chưa áp dụng quy định chậm nộp mà sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021. Trường hợp DN chậm nộp, chỉ tính tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch DN chưa nộp hết cho đến thời điểm DN đã nộp đủ.
“Như trường hợp chỉ đóng 60% số thuế quyết toán năm thì chỉ tính khoản chậm nộp 15% trong khoảng thời gian từ ngày 30-10-2021 đến 30-1-2022 khi DN nộp đủ số tiền thuế TNDN” - ông Minh nói.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho rằng quy định này được xây dựng dựa trên tình hình nộp thuế của DN và hoạt động điều hành ngân sách. Đặc thù ngân sách của Việt Nam rất khó khăn.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế bày tỏ hy vọng DN có thể chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, cơ quan này cũng cho biết những kiến nghị, băn khoăn của DN sẽ được Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính ghi nhận và báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn DN và các đơn vị liên quan thực hiện nội dung Nghị định 126/2020.
|
Giải pháp: Nên giữ nguyên quy định cũ
Ông Nguyễn Việt Anh, giám đốc một công ty thực phẩm bánh kẹo tại TP.HCM, cho rằng quy định như Nghị định 126/2020 sẽ làm khó nhà kinh doanh. “Ví dụ như năm nay, dịch COVID-19 khiến ba quý đầu năm tê liệt, số thuế nộp chắc chắn thấp. Quý IV thị trường hồi phục, lợi nhuận nhiều hơn thì chúng tôi có thể tăng đột biến và có thể bị phạt” - ông Việt Anh nói.
Từ phân tích trên, theo ông Việt Anh, cơ quan chức năng cần xem xét lại quy định tại Nghị định 126 theo hướng nên giữ nguyên quy định hiện nay là phù hợp. Cụ thể, nhà kinh doanh chỉ tạm nộp thuế TNDN bốn quý không thấp hơn 80% so với số thuế TNDN phải nộp cả năm. Hạn cuối tạm nộp thuế TNDN (80%) quý IV là ngày 30-1 năm sau… Khi đó, giới kinh doanh mới tính toán được lợi nhuận, số thuế phải nộp và tránh được nguy cơ bị tính tiền chậm nộp.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét lại những quy định bất cập tại Nghị định 126/2020. Cụ thể, cần quan tâm xem xét khi hướng dẫn thi hành nghị định này theo hướng có sự phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế; hoặc trường hợp ngay tình, không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận đối với các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất.
“Không xử phạt đối với trường hợp DN đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý IV, kèm theo danh mục các dự án, hoặc hoạt động kinh doanh mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với ngành thuế” - HoREA góp ý.
Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/nghich-ly-bong-nhien-bi-phat-vi-quy-dinh-thue-moi-953455.html