Địa chỉ: 113/2D Trần Thị Trọng, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM

Email: cty.lawforlife@gmail.com

Hotline:090 9700 257

  • Trang chủ
  • Photo giáo trình sách có bị coi là vi phạm quyền tác giả?
Photo giáo trình sách có bị coi là vi phạm quyền tác giả?

 

Sao chép là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.  Sao chép ở đây được hiểu là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Photo là một hình thức sao chép tác phẩm của tác giả. Hiện nay, việc photo sách diễn ra rất phổ biến, nhất là ở các trường đại học, sinh viên sử dụng giáo trình photo để tiết kiệm chi phí. Vậy, theo quy định của pháp luật, photo giáo trình sách có bị coi là vi phạm quyền tác giả không? Sau đây, LAW FOR LIFE sẽ giúp quý khách giải đáp thắc mắc này.

 

Photo giáo trình sách có bị coi là vi phạm quyền tác giả?

 

Căn cứ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thì các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

-  Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

-  Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

-  Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

-  Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

-  Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

-  Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

-  Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

-  Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

-  Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

-  Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

 

Theo quy định trên, việc sao chép tác phẩm chỉ không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao khi “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” và “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”. Vì vậy, photo giáo trình sách nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân hay lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu không bị coi là vi phạm quyền tác giả. Các trường hợp khác không thuộc các trường hợp này sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Nếu không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thì sẽ vi phạm quyền tác giả.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LAW FOR LIFE
090 9700 257