Thực phẩm chức năng là gì? Điều kiện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng?
Thực phẩm chức năng là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc và người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm thuốc.
1. Thực phẩm chức năng là gì?
Thực phẩm chức năng (tiếng Anh: functional foods) là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Cũng như thực phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc và người ta cũng gọi thực phẩm chức năng là thực phẩm thuốc. Sở dĩ thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh vì nó có khả năng phục hồi tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể đang bị tổn thương.
Khái niệm thực phẩm chức năng được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980 để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng.
Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life Science Institute - ILSI) thì "thực phẩm chức năng là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại". Theo IFIC, thực phẩm chức năng là những thực phẩm hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng: là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.
Ở mỗi nước, thực phẩm chức năng (TPCN) được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau: Các nước Tây Âu gọi là "thực phẩm - thuốc" (alicaments) hoặc dược phẩm dinh dưỡng (nutraceutics), thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (food suplement); Trung Quốc gọi là "thực phẩm bổ dưỡng bảo vệ sức khỏe"; Việt Nam gọi là "thực phẩm đặc biệt".
- Các loại thực phẩm chức năng
- > Nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất
- > Nhóm bổ sung chất xơ
- > Thực phẩm giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa
- > Bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác
- > Thực phẩm loại bỏ bớt một số thành phần
- > Các thực phẩm cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt
- > Thực phẩm chức năng giảm cân
2. Phân biệt thực phẩm chức năng
2.1. Thực phẩm chức năng khác với thực phẩm
- > Được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).
- > Có tác dụng với sức khỏe (một số chức năng sinh lý của cơ thể) nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là, thực phẩm chức năng ít tạo ra năng lượng cho cơ thể như các loại thực phẩm, ví dụ, gạo, thịt, cá…
- > Liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng gram, miligram như là thuốc.
- > Đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…
2.2. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
- > Đối với thực phẩm chức năng, nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
- > Có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng (thức ăn qua sonde), bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ.
- > Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo "hướng dẫn cách sử dụng" của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn…
3. Điều kiện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 1 Thông 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Trong đời sống, thực phẩm chức năng được hiểu là các loại thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe, đồng thời làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe và ngăn ngừa các loại bệnh. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh.
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo được định nghĩa là "Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân".
Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn (Theo điểm đ khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012).
Điều kiện thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng? (Ảnh minh họa)
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
Điều 5. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
4. Hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo
Các chủ thể kinh doanh cần thực hiện thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành trước khi thực hiện quảng cáo. Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo gồm:
- > Đơn đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo theo mẫu;
- > Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
- > Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
- > Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có kịch bản dự kiến quảng cáo và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trong đĩa hình, đĩa âm thanh; đối với quảng cáo trên các phương tiện khác thì phải có ma két (mẫu nội dung) dự kiến quảng cáo (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
- > Đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm ghi trong bản công bố sản phẩm thì phải có tài liệu khoa học chứng minh (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
5. Trình tự đăng ký nội dung quảng cáo
Dựa vào Điều 20 Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế thì trình tự để được cấp Giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm các bước:
Bước 1: Nộp hồ sơ: Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung.
Thời hạn sửa đổi, bổ sung tối đa là 90 ngày.
- Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Bước 3: Nhận kết quả
- Cá nhân, tổ chức nhận Giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng tại trụ sở Cục An toàn thực phẩm.
- Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phụ trách đã được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.