Xuất xứ và nơi sản xuất khác nhau như thế nào?
Xuất xứ của hàng hoá và nơi sản xuất đều thể hiện cho người tiêu dùng biết hàng hoá được sản xuất tại đâu. Vì vậy, xuất xứ và nơi sản xuất tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không dễ phân biệt, người tiêu dùng rất hay bị nhầm lẫn.
1. Thế nào là xuất xứ hàng hoá?
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, quy định về xuất xứ hàng hoá như sau:
“1. Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.”
Như vậy, quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được công nhận xuất xứ hàng hoá khi thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Là nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá đó.
- Là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá đó trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất.
2. Phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất
Tiêu chí
|
Xuất xứ hàng hoá
|
Nơi sản xuất
|
Khái niệm
|
Là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cuối cùng đối với hàng hoá
|
Chỉ khu vực sản xuất, chế biến ra sản phẩm đó, đươc người tiêu dùng xem là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm
|
Bản chất
|
Chứng nhận nơi xuất xứ hàng hoá để hưởng các ưu đãi thuế quan
|
Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nơi sản xuất ra hàng hoá
|
Giá trị pháp lý
|
- Được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá
- Bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá (theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP)
|
Không có giá trị pháp lý, chỉ có giá trị thương mại nhằm khẳng định nơi sản xuất hàng hoá để thu hút người tiêu dùng
|
Phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất (ảnh mình họa)
3. Xác định xuất xứ hàng hóa để làm gì?
- Xác định được nơi xuất xứ của hàng hóa giúp doanh nghiệp được áp dụng các chính sách thương mại về chống bán phá giá trên một lãnh thổ hay một đất nước cụ thể nào đó.
- Xác định hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế hay không: Thuế quan nhập khẩu sẽ được tính theo nguồn gốc của hàng hóa. Từ vận dụng mức thuế đến thuế hải quan đều liên quan đến xuất xứ. Việc xác định xuất xứ hàng hóa có thể phân biệt được đâu là hàng nhập khẩu để hưởng các ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại.
- Giúp thống kê thương mại của một quốc gia hàng năm dễ dàng hơn. Đồng thời là chỉ tiêu quan trọng trong hình thức đánh giá chất lượng và hình thức để xác định các ưu đãi dành riêng của các quốc gia.
- Dùng để thực hiện các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và mua sắm công của quốc gia
4. Khi nào hàng hoá được ghi nhãn xuất xứ Made in Vietnam?
Cụm từ “Made in Vietnam” thường được thể hiện trên các sản phẩm và được hiểu rằng Việt Nam là quốc gia sản xuất ra sản phẩm đó. Mặt khác, “Made in Vietnam” cũng có thể được hiểu theo nghĩa là xuất xứ hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 31/2018/NĐ-CP chỉ quy định sản phẩm có xuất xứ Việt Nam chỉ áp dụng cho hàng hoá xuất, nhập khẩu. Vì vậy, trường hợp nào sản phẩm lưu thông trong nước được ghi “Made in Vietnam” và ghi như thế nào thì chưa có quy định cụ thể.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo dự thảo quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Căn cứ Điều 4, 5 Dự thảo, hàng hoá được coi là hàng hoá của Việt Nam được thể hiện bằng cụm từ sau:
- Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam;
- Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam;
- Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất;
- Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo;
- Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác.
Lưu ý: Ngôn ngữ thể hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân phải sử dụng tiếng Việt để thể hiện những cụm từ nêu trên.
- Các cụm từ nêu trên có thể được thể hiện thêm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng với nội dung thể hiện bằng tiếng Việt.
Tóm lại, xuất xứ và nơi sản xuất là hai khái niệm có bản chất khác nhau. Xuất xứ hàng hoá là thuật ngữ pháp lý, còn nơi sản xuất là từ ngữ thông dụng chỉ khu vực sản xuất ra hàng hoá.