Chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không?
Chi nhánh, văn phòng đại diện là những đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, vậy, liệu chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không?
Chi nhánh, văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh và văn phòng đại diện được định nghĩa như sau:
- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi nhánh, văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, mọi hoạt động của chi nhánh đều phụ thuộc vào doanh nghiệp và thông qua việc uỷ quyền. Do đó, chi nhánh và văn phòng đại diện không tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách độc lập nên không được coi là có tư cách pháp nhân.
Chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không?
Thông thường chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ được ủy quyền cho phép ký các hợp đồng với các đối tác của công ty dưới tư cách của công ty.
Chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không? (Ảnh minh họa)
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Dù không có tư cách pháp nhân nhưng chi nhánh, văn phòng đại diện vẫn có thể ký kết hợp, trở thành một bên trong quan hệ hợp đồng.
Khoản 5 Điều 84 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.”
Theo đó, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện không đương nhiên có quyền đại diện cho chi nhánh, văn phòng đại diện ký kết hợp đồng mà quyền này chỉ phát sinh khi có ủy quyền của người đại diện của công ty.
Phạm vi ủy quyền như thế nào là do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, công ty cũng có quyền hủy việc ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
Khi chi nhánh, văn phòng đại diện ký kết một số hợp đồng hoặc thực hiện một số công việc mà cần sự cho phép của công ty, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện phải xuất trình được văn bản uỷ quyền của công ty.
Ví dụ: Đối với việc ký kết hợp đồng lao động trong công ty:
Căn cứ điểm k khoản 2 Điều 63 Luật Doanh nghiệp 2020, giám đốc công ty TNHH 2 thành viên có quyền tuyển dụng lao động. Do chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của công ty nên giám đốc công ty là người có quyền tuyển dụng lao động cho chi nhánh, văn phòng đại diện.
Trường hợp người lao động ký kết hợp đồng lao động với giám đốc chi nhánh, văn phòng đại diện, người lao động phải yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình văn bản uỷ quyền của công ty về việc giám đốc chi nhánh, văn phòng đại diện được phép ký kết hợp đồng lao động.
Như vậy, chi nhánh, văn phòng đại diện hoàn toàn có quyền ký kết hợp đồng nếu việc ký kết này nằm trong phạm vị công việc được công ty uỷ quyền.
Trên đây là giải đáp về vấn đề chi nhánh, văn phòng đại diện có được ký hợp đồng không?