Công ty phải làm gì sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật?
Người đại diện theo pháp luật là chức danh bắt buộc phải có trong doanh nghiệp. Khi người đại diện theo pháp luật được thay đổi, doanh nghiệp phải thực hiện một số công việc dưới đây.
Những công việc phải làm khi thay đổi người đại diện theo pháp luật
1. Thay đổi thông tin ngân hàng
Kể từ ngày 01/05/2021, thông tin về tài khoản ngân hàng không còn là thông tin đăng ký thuế nữa. Vì vậy, sau khi thành lập, doanh nghiệp mở tài khoản ngân hàng không cần phải thông báo với bất kỳ cơ quan nào.
Mỗi doanh nghiệp có thể có một hoặc nhiều tài khoản ngân hàng. Tài khoản ngân hàng đứng tên chủ tài khoản là nguời đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tài khoản ngân hàng là thông tin quan trọng của mỗi doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động giao dịch. Vì vậy, để thông tin của doanh nghiệp được đồng nhất, sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp phải thay đổi thông tin chủ tài khoản ngân hàng.
2. Đổi thông tin giấy phép con
Giấy phép con được hiểu là giấy tờ pháp lý cấp cho cá nhân, tổ chức để chứng nhận họ đủ điều kiện kinh doanh một, một số ngành, nghề có điều kiện.
Giấy phép con thời hạn sử dụng cụ thể. Khi hết thời hạn thì cơ sở phải xin gia hạn giấy phép con hoặc xin cấp mới nếu muốn tiếp tục kinh doanh ngành nghề đó hoặc thay đổi thông tin trên giấy phép con.
Trường hợp thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật, nếu giấy phép con có thể hiện thông tin người đại diện theo pháp luật thì giấy phép con đó cần phải được thay đổi. Tránh trường khi cơ quan nhà nước kiểm tra giấy phép con, thông tin về người đại diện theo pháp luật không trùng khớp.
3. Tiến hành thủ tục tăng vốn điều lệ (nếu có)
Trường hợp khi thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, trường hợp người đại diện là cổ đông, người góp vốn nhận chuyển nhượng thêm hoặc góp vốn thêm thì doanh nghiệp phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ.
Lưu ý: Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật và thủ tục tăng vốn điều lệ có thể được thực hiện đồng thời cùng một lúc.
Làm gì sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật (Ảnh minh hoạ)
Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật
1. Thành phần hồ sơ
Theo Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật bao gồm:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật theo Phụ lục II-2 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty.
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp trong các trường hợp cụ thể sau:
+ Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
+ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật.
+ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty.
+ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
- Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
2. Nơi nộp hồ sơ
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
3. Thời hạn giải quyết
03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
4. Lệ phí giải quyết
50.000 đồng/lần (theo biểu phí, lệ phí doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).
Như vậy, khi làm thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp thực hiện thêm các công việc khác như: thay đổi thông tin ngân hàng, thay đổi thông tin giấy phép con…