Địa chỉ: 113/2D Trần Thị Trọng, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM

Email: cty.lawforlife@gmail.com

Hotline:090 9700 257

  • Trang chủ
  • Công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?
Công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

 

Bất cứ một doanh nghiệp nào khi thành lập cũng mong muốn được phát triển lâu dài, bền vững. Tuy nhiên trong kinh doanh, việc làm ăn thua lỗ dẫn đến vỡ nợ, phá sản là điều khó tránh khỏi. Vậy nếu công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

1. Khi nào doanh nghiệp bị coi là phá sản?

Theo giải thích tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014:

Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong đó, khoản 1 Điều 4 luật này nêu rõ, một doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp, hợp tác xã đó đến hạn thanh toán nợ nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ 03 tháng trở lên.

Đồng thời, doanh nghiệp không thể tự mình tuyên bố phá sản mà phải làm thủ tục phá sản theo đúng trình tự quy định để Tòa án ra quyết định phá sản.

Như vậy, một doanh nghiệp, hợp tác xã phải có đủ cả hai yếu tố là mất khả năng thanh toán nợ và có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án thì mới bị coi là phá sản.
 

2. Công ty TNHH phá sản ai phải chịu trách nhiệm?

Theo pháp luật doanh nghiệp, có 02 mô hình công ty TNHH là công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Trong đó, Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định hội đồng thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên có nghĩa vụ:

1. Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 47 của Luật này.

2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 51, 52, 53 và 68 của Luật này.

3. Tuân thủ Điều lệ công ty.

4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

5. Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây:

a) Vi phạm pháp luật;

b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;

c) Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

Còn theo Điều 77 Luật Doanh nghiệp, chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên có nghĩa vụ:

1. Góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.

2. Tuân thủ Điều lệ công ty.

3. Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

4. Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.

5. Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu công ty và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

6. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

7. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Căn cứ các quy định trên, thanh toán các khoản nợ là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của thành viên công ty TNHH.

Sau khi bị tuyên bố phá sản, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với các khoản nợ còn lại bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo đó, chủ sở hữu của công ty TNHH 1 thành viên và thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp/cam kết góp trong việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của công ty khi phá sản.

Trường hợp công ty TNHH thanh toán hết các khoản nợ mà vẫn còn tài sản thì tài sản đó thuộc về chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên hoặc thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên (theo khoản 2 Điều 54 Luật Phá sản).

 

Công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

Công ty TNHH phá sản ai phải chịu trách nhiệm? (Ảnh minh họa)

3. Ai được gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Phá sản, người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH mất khả năng thanh toán là:

- Chủ nợ.

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.

- Người đại diện theo pháp luật.

- Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên.

4. Lệ phí yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH là bao nhiêu?

Theo Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là 1,5 triệu đồng.

Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn thanh toán.

- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mất khả năng thanh toán và không còn tiền hay tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

 

Trên đây là thông tin giải đáp vấn đề: Công ty TNHH phá sản, ai phải chịu trách nhiệm?

Khi nào doanh nghiệp bị coi là phá sản?

Ai được gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH?

Lệ phí yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH là bao nhiêu?

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LAW FOR LIFE
090 9700 257