Địa chỉ: 113/2D Trần Thị Trọng, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM

Email: cty.lawforlife@gmail.com

Hotline:090 9700 257

  • Trang chủ
  • Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu: 5 lỗi cơ bản thường gặp
Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu: 5 lỗi cơ bản thường gặp

 

Thủ tục cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu cần phải trải qua quá trình nộp đơn và thẩm định rất chặt chẽ. Để giúp tổ chức, cá nhân tránh sai sót khi thực hiện thủ tục này, LAW FOR LIFE sẽ chỉ ra một số lỗi cơ bản thường gặp dưới đây.

1. Sai lầm khi đặt tên cho nhãn hiệu

Căn cứ khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu có thể được thể hiện dưới dạng từ ngữ, chữ cái. Việc đặt tên cho nhãn hiệu là rất quan trọng nhưng lại dễ mắc những sai lầm, cụ thể:

 

Các trường hợp

Ví dụ

Nhãn hiệu trùng với tên, bút danh của danh nhân, người nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới

Nhãn hiệu có chứa tên các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Lý Quốc Sư, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp...

Nhãn hiệu là các ký tự, hình thù đơn giản

ABC, 12h...

Nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới

Lưu ý: Đây là những nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tự động mà không cần phải đăng ký

Đặt tên cho nhãn hiệu là tên các nhãn hiệu nổi tiếng như: Nike, Coca-cola...

Nhãn hiệu chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm

Nhãn hiệu có chứa từ ngữ là các khu vực như: China, Japan, New York, Paris... nhưng sản phẩm lại không được xuất xứ từ các khu vực đó

Nhãn hiệu trùng với tên địa danh

Đặt tên nhãn hiệu trùng với các chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, Chè Thái Nguyên...

Nhãn hiệu mô tả tính chất, đặc tính của sản phẩm

Tên nhãn hiệu có chứa các từ ngữ mô tả sản phẩm như: ngon, đẹp, thú vị...


2. Không tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn

Tra cứu nhãn hiệu là một khâu quan trọng trong quy trình đăng ký bảo hộ để tránh tình trạng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bị trả về do các vấn đề bị trùng hay gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác.

Hiện nay, có 02 cách tra cứu để giúp tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra chính xác nhãn hiệu của mình có bị trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu khác hay không, cụ thể:

- Cách 1: Tra cứu trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam về nhãn hiệu

- Cách 2: Tra cứu nhãn hiệu nâng cao

Tra cứu nhãn hiệu nâng cao được hiểu là việc tra cứu nhãn hiệu được thực hiện với sự “trợ giúp” của chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 

Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu

Kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu (Ảnh minh hoạ)
 

3. Không tiến hành đăng ký hưởng quyền ưu tiên

Quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu được hiểu là quyền của đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự thì đơn đó có quyền ưu tiên để cấp văn bằng bảo hộ.

Căn cứ Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

- Người nộp đơn phải là những trường hợp sau:

+ Là công dân Việt Nam;

+ Là công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam;

+ Là công dân nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại nước khác.

Lưu ý: Nước khác ở đây là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam.

- Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

- Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Chuẩn bị thiếu tài liệu, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu phải được chuẩn bị đầy đủ trước khi nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ. Thông thường khi mang nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa Cục Sở hữu trí tuệ, chuyên viên nhận hồ sơ sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát tất cả các giấy tờ. Trường hợp hồ sơ có sai sót hoặc thiếu sót, chuyên viên ngay lập tức sẽ trả lại hồ sơ để yêu cầu người nộp bổ sung.

Để tránh trường hợp bị trả hồ sơ ngay khi nộp và tốn kém thời gian sửa đổi, bổ sung, người nộp đơn nên kiểm tra kỹ nội dung và số lượng tài liệu có trong hồ sơ.

Bên cạnh đó, người nộp đơn cần phải chuẩn bị đủ các khoản chi phí để nộp sau khi đã được chuyên viên chấp nhận hồ sơ.

Chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bao gồm rất nhiều các khoản phí nhỏ. Vì vậy, người nộp đơn cần tính toán để mang đủ số tiền nộp kèm.

 

Theo đó, tại Quyết định 3675/QĐ-BKHCN quy định hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm:

Tờ khai đăng ký (02 bản).

- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận:

Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

Văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ).

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác.

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

5. Đăng ký nhãn hiệu sau khi đã đưa sản phẩm ra thị trường

Thông thường, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ chú trọng tới các khâu dăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký ngành nghề kinh doanh, chạy quảng cáo,… Sau khi sản phẩm đã được nhiều người biết đến và đón nhận, đã có chỗ đứng trên thị trường thể hiện qua việc tên thương hiệu, logo của doanh nghiệp đã được nhiều người tiêu dùng biết đến thì lúc đó mới tiến hàng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nhãn hiệu của doanh nghiệp đã có người đăng ký trước là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trả lại.

Thậm chí, chính doanh nghiệp sẽ bị hiểu nhầm là người đi “sao chép”, “lấy cắp” nhãn hiệu của người khác và sẽ bị coi là vi phạm bản quyền Sở hữu trí tuệ nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục dùng nhãn hiệu, logo đó cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Như vậy, có thể thấy hậu quả để lại làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Để khắc phục, có không ít doanh nghiệp phải tiến hành mua lại thương hiệu của người đã đăng ký trước với số tiền rất lớn, hoặc nếu đối phương không muốn bán nhưng lại muốn doanh nghiệp thuê thương hiệu, thì mỗi tháng, mỗi năm doanh nghiệp phải trích từ doanh thu để tiến hành nộp tiền thuê thương hiệu đó.

Tóm lại, kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu nêu trên đã chỉ ra những lỗi cơ bản mà người nộp đơn thường mắc phải. Lưu ý, việc tra cứu nhãn hiệu là công đoạn bắt buộc và căn cứ để biết có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu hay không.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LAW FOR LIFE
090 9700 257