Tăng vốn điều lệ sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp?
Vốn điều lệ được tăng, giảm tuỳ theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nào cũng muốn mở rộng quy mô và tăng vốn điều lệ. Vậy việc tăng vốn điều lệ sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tăng vốn điều lệ khi nào?
Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“34. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”
Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc góp vốn điều lệ như sau: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Như vậy sau khi đăng ký vốn điều lệ, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể góp thêm vốn điều lệ tuỳ theo nhu cầu.
Các loại hình doanh nghiệp sẽ tăng vốn điều lệ trong những trường hợp sau:
Loại hình doanh nghiệp
|
Các trường hợp tăng vốn điều lệ
|
Công ty cổ phần
|
- Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
- Chào bán ra công chúng;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ.
|
Công ty TNHH 1 thành viên
|
- Chủ sở hữu công ty góp thêm vốn;
- Huy động thêm vốn góp của người khác;
- Huy động thêm trái phiếu;
- Chuyển thành công ty cổ phần để phát hành và chào bán cổ phần.
|
Công ty TNHH 2 thành viên
|
- Tăng vốn góp của thành viên;
- Tiếp nhận thêm thành viên mới;
- Huy động thêm trái phiếu;
- Chuyển thành công ty cổ phần để phát hành và chào bán cổ phần.
|
Công ty hợp danh
|
- Thành viên hợp danh tăng vốn góp;
- Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.
|
Doanh nghiệp tư nhân
|
- Chủ doanh nghiệp tư nhân góp thêm vốn
|
Tăng vốn điều lệ tác động như thế nào đến doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)
Tăng vốn điều lệ có tác động như thế nào đến doanh nghiệp
1. Những tác động tích cực
- Doanh nghiệp có thêm kinh phí để đầu tư, thực hiện các chiến lược kinh doanh.
- Tạo điều kiện để hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp khác có quy mô lớn. Mặt khác, vốn điều lệ cao sẽ tạo sự tin tưởng hơn cho các đối tác.
- Tăng thêm số lượng thành viên cho doanh nghiệp. Từ đó, công ty có thêm nhiều thành viên, cổ đông cùng hoạt động, lãnh đạo và hạn chế sự thâu tóm và lạm dụng quyền của một số thành viên, cổ đông khác trong doanh nghiệp.
- Tăng hạn mức vay từ ngân hàng. Các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn sẽ dễ tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng hơn, đồng thời hạn mức vay cũng sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp
2. Rủi ro khi tăng vốn điều lệ
Khi tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp và thành viên, cổ đông trong doanh nghiệp có thể gặp một số rủi ro sau:
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp được tăng lên bởi vì trách nhiệm đó sẽ căn cứ vào số vốn điều lệ mà các thành viên góp vào.
- Tăng mức lệ phí môn bài phải đóng hằng năm.
Việc để vốn điều lệ bao nhiêu không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ ảnh hưởng đến mức đóng lệ phí môn bài, cụ thể:
STT
|
Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư
|
Lệ phí môn bài phải nộp
|
1
|
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư > 10 tỷ đồng
|
03 triệu đồng/năm
|
2
|
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng.
|
02 triệu đồng/năm
|
3
|
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác
|
01 triệu đồng/năm
|
Như vậy, mức đóng lệ phí môn bài không có sự chênh lệch quá nhiều khi doanh nghiệp tăng vốn. Hơn nữa khi vốn điều lệ sau khi tăng trên 10 tỷ đồng thì lệ phí môn bài chỉ tăng thêm 01 triệu đòng
- Doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Như vậy, tăng vốn điều lệ sẽ có tác động hai chiều đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì nên tăng vốn điều lệ để phù hợp với hoạt động kinh doanh và không cần lo lắng quá nhiều về những rủi rọ khi tăng vốn.