Thủ tục hưởng chế độ ốm đau theo quy định mới nhất
Bằng việc tham gia bảo hiểm xã hội, chế độ ốm đau hỗ trợ một phần kinh phí chữa bệnh cũng như duy trì cuộc sống hàng ngày cho bản thân và gia đình người lao động, giúp người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, ổn định thu nhập và đời sống.
1. Trường hợp nào được nghỉ làm hưởng chế độ ốm đau?
Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định, chỉ có 02 trường hợp dưới đây người lao động mới được hưởng chế độ ốm đau:
(1) Đang tham gia BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;
(2) Đang tham gia BHXH bắt buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Lưu ý: Không giải quyết chế độ ốm đau với các trường hợp:
-
Bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy;
- Nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
-
Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
2. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm những gì?
Theo quy định tại Điều 100 Luật BHXH năm 2014 và hướng dẫn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau bao gồm các giấy tờ sau đây:
* Đối với người lao động
- Trường hợp điều trị nội trú:
+ Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc của con dưới 07 tuổi.
Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh thì thay bằng bản sao giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì bổ sung giấy tờ khác của cơ sở khám, chữa bệnh có thể hiện thời gian vào viện;
+ Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện nếu chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú.
- Trường hợp điều trị ngoại trú:
Bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nếu cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con khám, chữa bệnh ở nước ngoài:
Bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám, chữa bệnh do cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
* Đối với đơn vị sử dụng lao động:
Bản chính Danh sách 01B-HSB (Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe).
3. Thủ tục hưởng chế độ ốm đau thực hiện thế nào?
Cũng theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, thủ tục giải quyết hưởng chế độ ốm đau được thực hiện như sau:
Bước 1: Người lao động nộp 01 bộ hồ sơ cho doanh nghiệp.
Thời hạn nộp: Trong 45 ngày tính từ quay trở lại làm việc.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH.
Trong 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ của người lao động, doanh nghiệp phải lập Mẫu số 01B-HSB rồi gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Bước 3: Cơ quan BHXH chi trả tiền chế độ ốm đau cho người lao động
- Thời hạn giải quyết: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
- Hình thức chi trả tiền chế độ ốm đau:
+ Nhận tiền mặt tại doanh nghiệp sau khi cơ quan BHXH đã chuyển trợ cấp cho doanh nghiệp.
+ Nhận qua thẻ ATM của người lao động.
+ Nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH nếu chưa nhận tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó đã chuyển lại cho cơ quan BHXH.
Trên đây là hướng dẫn của LuatVietnam về thủ tục hưởng chế độ ốm đau mới nhất. Người lao động nên nắm rõ để được hưởng trọn quyền lợi từ việc tham gia bảo hiểm xã hội của mình.