Trường hợp nào hợp đồng uỷ quyền vô hiệu?
Khi không thể tự mình thực hiện giao dịch, công việc thì các bên sẽ làm hợp đồng uỷ quyền cho người khác thay mặt mình làm. Vậy liệu có trường hợp nào hợp đồng uỷ quyền vô hiệu không?
Hợp đồng uỷ quyền là gì?
Hợp đồng uỷ quyền được định nghĩa tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định này, có thể hiểu hợp đồng uỷ quyền là văn bản các bên dùng để thoả thuận về việc một bên thực hiện công việc thay cho bên còn lại, nhân danh bên còn lại. Các bên có thể thoả thuận trả thù lao cho việc uỷ quyền hoặc không.
Đây là một trong những loại hợp đồng thường được sử dụng trong cuộc sống bởi không phải lúc nào các bên cũng có thể tự mình tham gia, thực hiện công việc. Mục đích của hợp đồng uỷ quyền là bên nhận uỷ quyền hỗ trợ bên uỷ quyền thực hiện công việc và có thể việc hỗ trợ này sẽ có thù lao nếu các bên thoả thuận.
Đồng thời, do đây là thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền nên thực chất, đối tượng tham gia các giao dịch vẫn luôn là bên uỷ quyền, chỉ các thủ tục thực hiện thì bên được uỷ quyền sẽ thực hiện thay.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng không phải mọi giao dịch, thủ tục đều có thể uỷ quyền được. Hiện nay, theo pháp luật chuyên ngành, có một số trường hợp sau đây các bên phải tự mình thực hiện mà không thực hiện thông qua hợp đồng uỷ quyền:
- Đăng ký kết hôn: Theo khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch, các bên nam nữ phải tự mình ký vào sổ hộ tịch cũng như giấy đăng ký kết hôn. Do đó, trường hợp nam nữ kết hôn không thể uỷ quyền cho người thứ ba thực hiện thay.
- Ly hôn: Cũng tương tự như kết hôn, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét yếu tố tự nguyện của việc kết hôn hoặc ly hôn nên các bên nam, nữ bắt buộc phải tự mình thực hiện.
Khác với kết hôn, vợ chồng có thể uỷ quyền nộp hồ sơ, nộp án phí, lệ phí, tạm ứng án phí, lệ phí… nhưng khi Toà án xét xử hoặc mở phiên họp thì bắt buộc phải cùng có mặt hoặc có thể xét xử vắng mặt, không được uỷ quyền.
- Công chứng di chúc: Theo Điều 56 Luật Công chứng, người để lại di chúc bắt buộc phải tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng di chúc bởi việc để lại di sản của mình cho người khác sau khi chết cũng cần dựa vào sự tự nguyện, người để lại di chúc phải minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc…
Hợp đồng uỷ quyền vô hiệu trong trường hợp nào?
Về bản chất, hợp đồng uỷ quyền cũng là một dạng hợp đồng. Do đó, điều kiện để hợp đồng uỷ quyền vô hiệu cũng được quy định tại Điều 122 đến Điều 129 Bộ luật Dân sự. Theo đó, các trường hợp hợp đồng uỷ quyền vô hiệu gồm:
- Chủ thể của hợp đồng uỷ quyền không đảm bảo: Không đảm bảo năng lực hành vi dân sự phù hợp, không tự nguyện, không đảm bảo về hình thức của hợp đồng uỷ quyền: Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
Ví dụ khi mang thai hộ, vợ chồng bên mang thai hộ có thể uỷ quyền nhưng hợp đồng uỷ quyền phải được lập thành văn bản có công chứng theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về hình thức này thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
- Vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội: Hiện nay, pháp luật đặt ra những quy định mà mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thực hiện theo. Do đó, cũng như các giao dịch khác, hợp đồng uỷ quyền cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của luật, đạo đức xã hội.
- Do giả tạo: Nhằm để che giấu một hợp đồng khác đằng sau hợp đồng uỷ quyền (ví dụ hợp đồng mua bán…) mà các bên lập hợp đồng uỷ quyền thì hợp đồng này cũng sẽ bị tuyên vô hiệu.
Ví dụ: Hiện nay, các bên thường lập hợp đồng uỷ quyền với phạm vi uỷ quyền là được toàn quyền định đoạt, sử dụng, quản lý… bất động sản. Tuy nhiên, về bản chất, đây là hợp đồng mua bán bất động sản. Các bên “lách” luật nên lập hợp đồng uỷ quyền để “trốn thuế”.
- Do bị nhầm lẫn: Nếu có sự nhầm lẫn khi xác lập hợp đồng uỷ quyền khiến một/các bên không đạt được mục đích của việc lập hợp đồng uỷ quyền thì có thể yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu.
- Do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép: Hợp đồng phải được xác lập trên cơ sở tự nguyện, không bị lừa dối, cưỡng ép. Nếu một trong các bên bị bên còn lại cố ý lừa dối để làm sai lệch mục đích, nội dung… của hợp đồng uỷ quyền hoặc bị ép buộc ký hợp đồng uỷ quyền không theo mong muốn của bên kia thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
- Do một trong các bên uỷ quyền không nhận thức được hành vi của mình: Ví dụ người uỷ quyền hoặc được uỷ quyền đang trong trạng thái không nhận thức, làm chủ hành vi như say rượu, nghiện ma tuý… và chứng minh được điều đó thì có thể yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng uỷ quyền vô hiệu.
Khi hợp đồng uỷ quyền vô hiệu thì phạm vi, nội dung… (các thoả thuận uỷ quyền) sẽ không xảy ra. Do đó, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (hồ sơ, giấy tờ hoặc thù lao…).
Ngoài ra, nếu gây thiệt hại thì bên gây thiệt hại có thể phải bồi thường trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trên đây là tổng hợp trường hợp hợp đồng uỷ quyền vô hiệu.