Xử lý thế nào khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết?
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Tài sản của doanh nghiệp cũng là tài sản của người chủ. Vậy khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết, tài sản này sẽ được xử lý như thế nào?
Đặc điểm của chủ doanh nghiệp tư nhân
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là đặc điểm nổi bật để phân biệt doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác.
Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Đối với việc điều hành và quản lý công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý hoạt động công ty. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Do vậy, khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn chủ doanh nghiệp để đại diện pháp lý cho doanh nghiệp và điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Làm gì khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết (Ảnh minh hoạ)
Xử lý thế nào khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết?
Khoản 2, 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì sẽ xử lý như sau:
“2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
3. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.”
Như vậy, trường hợp chủ doanh nghiệp doanh nghiệp tư nhân chết thì doanh nghiệp tư nhân đó sẽ giải quyết theo các hướng dưới đây:
1. Trường hợp xác định được người thừa kế
Nếu chỉ có duy nhất một người thừa kế hoặc những người thừa kế thoả thuận và cử một người đứng ra nhận thừa kế thì người thừa kế đó trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân mới. Doanh nghiệp tư nhân phải tiến hành thủ tục thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người thừa kế;
- Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.
2. Trường hợp có nhiều người thừa kế nhưng không thoả thuận được
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân đã mất có nhiều người thừa và những người thừa kế không thoả thuận được người thừa kế đứng ra làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì phải tiến hành thành lập loại hình doanh nghiệp khác hoặc tiến hành giải thể doanh nghiệp.
3. Trường hợp không có người thừa kế
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế là khi họ không để lại di chúc và cũng không có người thừa kế theo pháp luật (do bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thừa kế). Lúc này, tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ được xử lý theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Cụ thể:
Điều 622 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế bị truất quyền thừa kế, từ chối nhận thừa kế thì tài sản của doanh nghiệp tư nhân sẽ thuộc về nhà nước.