Tư vấn liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Xin chào Quý công ty!
Tôi đang gặp vấn đề mong sẽ nhận được sự trả lời của luật sư Tôi là kĩ thuật viên ở một thẩm mỹ viện tại sài gòn. Tháng 9/2018 tôi có kí một hợp đồng lao động 2 năm với công ty đó và khoá học đào tạo 30tr bên cty sẽ trả tiền học thay tôi, nếu tôi nghỉ trước 2 năm tôi phải bồi thường lại 30tr đó cho công ty. Nhưng trước đó tôi đã đóng 12tr để học khoá cơ bản và công nghệ cao nhưng chưa học công nghệ cao thì tôi kí hợp đồng này và dạy tôi chưa được 3-4 ngày thì cho tôi xuống cơ sở ở đông nai nói là xuống dưới học sẽ nhanh hơn thực tế nhiều hơn sẽ nâng cao tay nghề. Nhưng thực chất là ko có nhân viên làm nên mới đẩy bọn tôi xuống sớm. Nói dạy cũng chẳng dạy được nhiêu đa số thì thấy người cũ làm sao chúng làm như vậy được khoảng 5 tháng thì tôi viết đơn xin nghỉ và cũng nói thấy công việc không phù hợp, hoàn cảnh gia đình sợ ảnh hưởng tới công việc. Gần được 1 tháng thì công gọi tôi lên nói giải quyết hợp đồng bắt tôi bồi thường. Thì tôi cũng nói ra những điều trên họ lại nói đủ thứ lí do. Trong khi đó lúc tôi đóng 12tr thì chưa học được nhiêu và họ cũng giữ cái bằng học spa đó tôi chưa thấy bằng của tôi 1 lần nào tiền lương tháng 2 của tôi họ cũng ko đưa. Tôi nói không cần bằng và ko cần lương nữa thì họ gửi giấy về nhà tôi 2 lần bắt lên bòi thường hợp đồng nếu không sẽ xử lí theo pháp luật.
Tôi bây giờ thật sự rất hoang mang và không biết phải làm sao. Mong luật sư giúp đỡ xin cảm ơn.
Công ty LAW FOR LIFE xin đưa ra tư vấn sơ bộ cho khách hàng về vấn đề liên quan như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động 2012;
- Nghị định 88/2015/NĐ-CP;
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Theo trình bày của khách hàng, ta có thể thấy bên công ty đã đào tạo rất hời hợt, với một mức phí khá cao so với chất lượng, tuy nhiên đó chỉ là mặt lý luận có tính chất cá nhân, thực tế trong hợp đồng đào tạo, các thông tin về khóa học được nêu rất chung chung như: đào tạo những kiến thức và kỹ năng tư vấn chăm sóc khách hàng, địa điểm do công ty thông báo,… do đó, khó có thể tìm ra sự sai phạm trong cam kết của công ty đào tạo.
Mặt khác, hợp đồng đào tạo nghề với bản chất là hợp đồng dân sự, đề cao sự thỏa thuận giữa các bên, khi hai bên kí vào hợp đồng thì đồng nghĩa với việc hai bên đồng ý với các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Tại điều 2, phụ lục hợp đồng nêu rõ “ Trường hợp kết thúc hợp đồng trước phải chi trả khoản phí đào tạo số tiền 30.000.000 cho công ty” .
Tuy nhiên, theo điều 37, Bộ luật lao động 2012 quy định các trường hợp mà người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật, cụ thể:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
- Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động: phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
- Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Đối với trường hợp của khách hàng, có thể căn cứ vào trường hợp công ty không tiến hành trả lương đúng thời hạn nêu là từ mùng 1/3 đến 10/3 hàng tháng mà thực tế đến bây giờ công ty không tiến hành trả lượng tháng 2/2019 cho người lao động.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, không cho phép doanh nghiệp giữ lương của người lao động, doanh nghiệp cố tình chậm trả lương cho người lao động bị xử phạt hành chính, theo Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định công ty trả lương không đúng hạn sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng khi không trả lương đúng thời hạn cho 01-10 người lao động. Ngoài bị phạt tiền, doanh nghiệp còn bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.
Ngoài ra, hành vi giữ chứng chỉ gốc nhân viên của doanh nghiệp là trái quy định pháp luật. Cụ thể, hành vi này của doanh nghiệp bị xử phạt hành chính theo khoản 4, điều 1, Nghị định 88/2015/NĐ-CP với hành vi “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” theo đó doanh nghiệp bị xử phạt từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.
Có thể thấy, đối với vụ việc này cả người lao động và người sử dụng lao động đều có những sai phạm nhất định, tuy nhiên trong quan hệ lao động, người lao động luôn có vị thế yếu hơn so với doanh nghiệp, dựa vào những sự tư vấn trên, khách hàng cần đàm phán, thỏa thuận với doanh nghiệp để có được kết quả mong muốn.
Trên đây là tư vấn sơ bộ của LAW FOR LIFE về vấn trên, nếu có bất kỳ khó khăn nào liên quan khách hàng vui lòng liên hệ cho Công ty LAW FOR LIFE để được tư vấn cụ thể hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!